chuyen la – Người dân Việt Nam đã quá quen với tình cảnh: thực phẩm, hàng hóa tăng giá vù vù trước và sau Tết. Thế nhưng, Tết Ất Mùi năm nay đã đi theo chiều hướng khá hy hữu: giá những mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống ít “bão giá” hơn hẳn song sức mua vẫn còn khá yếu.
Hàng hóa sau Tết không bị “bão giá”
Nếu mọi năm, những ngày đầu năm mới giá rau xanh luôn đắt “xè khói hàng hương” thì năm nay mức chênh giá so với dịp trước Tết Nguyên đán vẫn ở mức độ vừa phải. Vài ngày đầu năm khoảng từ mùng 3 tới mùng 6 Tết là thời điểm giá thực phẩm, rau xanh bị đẩy lên mức cao nhất như mỗi kg thịt tăng khoảng 5.000- 15.000 đồng/kg, rau xanh tăng từ 1.000-5.000 đồng/mớ hay kg. Tuy vậy, giá rau xanh dịp ngoài Tết vẫn được nhiều người đánh giá là rẻ do thời tiết nồm khiến rau nhanh lớn, người trồng phải bán với giá rẻ mạt vì sợ rau già sẽ phải bỏ đi. Tương tự, các loại thực phẩm khác cũng không nhích giá quá nhiều bởi đầu năm hàng bán thì ít thật nhưng lượng người mua cũng chưa đông.
Không phải là thực phẩm rau xanh mà những ngày mới ra Tết những loại đồ ăn chế biến sẵn mới dễ dàng tăng giá vô tội vạ và những tô phở 70.000 đồng, những bát bún lèo tèo 60.000 đồng hẳn vẫn khiến nhiều người nhức nhối. Tuy vậy, những hàng quán này cũng không quá nhiều. Một điều không thể phủ nhận là năm nay nhiều hàng quán kinh doanh sớm hơn và mức giá cũng nhích nhẹ (một bát phở hay bún thêm từ 5.000- 10.000) hoặc y như cũ.

tp_sau_tet
Hiện tại, giá hàng hóa sau Tết cũng đang dần đi vào ổn định hơn so với vài ngày trước. Sau Tết, những mặt hàng đắt khách đang là rau xanh, hoa quả và các loại thủy hải sản tươi sống. Các loại thịt có phần bị “thất sủng” hơn do người dân vẫn ít nhiều ngán ngẩm với những món ăn ngày Tết. Tại chợ Cầu Lủ giá các loại rau xanh hiện khá rẻ rau muống từ 4.000-8.000 đồng/mớ tùy kích cỡ, đỗ xào 15.000 đồng/kg, cà tím 15.000 đồng/kg, cải ngồng 8.000 đồng/mớ, cải ngọt 15.000 đồng/kg, cải cúc 3.000 đồng/mớ, các loại hoa quả cũng giữ giá khá tốt như ổi 20.000 đồng/kg, dưa hấu 10.000 đồng.kg… Chị Phương ở Định Công cho biết, giá thực phẩm, rau xanh sau Tết tại chợ không tăng nhiều như mọi năm.
Sức mua yếu
Lý giải cho việc hàng hóa không sốt giá dịp trước và sau Tết là những yếu tố như xăng, điện… đều không tăng giá vào cuối năm, giá xăng cũng được duy trì ở mức khá thấp so với mặt bằng vài năm trở lại đây. Trước đó, hàng hóa vào Tết Nguyên đán tại nhiều khu chợ dân sinh cũng được đánh giá là không tăng ồ ạt như những dịp Tết trước do sức mua khá yếu. Cũng bởi vậy, dịp ra Tết những mặt hàng này cũng không nhích giá thêm quá nhiều.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê mới đây thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2015 đã giảm 0,05% so với tháng 1/2015, đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.
Đã có 3/11 nhóm hàng nằm trong tiêu chí đánh giá giảm chỉ số trong đó nhóm hàng có mức giảm mạnh nhất là giao thông với 4,41%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,41%, và nhóm bưu chính viễn thông giảm rất nhẹ là 0,02%.
Những nhóm hàng hóa còn lại cũng chỉ nhích nhẹ dù rơi vào tháng cao điểm mua sắm trong năm. Ví như nhóm hàng hàng ăn và dịch vụ ăn uống theo thông thường sẽ tăng mạnh vào dịp Tết nhưng chỉ nhích nhẹ 0,53% và lương thực chỉ tăng 0,13%. Dù vào dịp Tết nhưng nhiều mặt hàng thực phẩm được sử dụng phổ biến lại chỉ nhích nhẹ thậm chí còn giảm so với những tháng trước. Cụ thể, thịt bò tăng 1,05%; thịt chế biến tăng 0,56%; trứng tăng 0,78%; thịt heo giảm 0,92% và dầu mỡ giảm 1,18%… Nhóm hàng đồ uống, thuốc lá và may mặc, mũ nón, giày dép cũng chỉ tăng lần lượt 0,56% và 0,45% trong tháng Tết Ất Mùi. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng nhẹ.
Theo nhiều người đánh giá thì chỉ số CPI thấp ngay trong những tháng mua sắm ngày Tết không hề đáng mừng mà là dấu hiệu đáng ngại với nền kinh tế. Tuy nhiên, khoảng lặng của giá cả chung cũng cho thấy một tín hiệu khác: người dân cũng có xu hướng đi “chơi Tết” như du lịch, nghỉ ngơi thay vì tập trung “ăn tết”. Do đó, dù nhóm hàng thực phẩm, ăn uống tăng không đáng kể, thì bù lại, sự phát triển của du lịch nhóm hàng ăn ngoài lại mở ra hướng đi khác cho nền kinh tế còn đang lộn xộn. Bên cạnh đó, sự phát triển của hệ thống bán lẻ siêu thị, hoạt động ngay cả những ngày Tết (vẫn mở cửa nửa ngày 30 Tết và mở lại ngay vào ngày mùng 2 Tết) khiến cho thực phẩm cũng không còn đủ khan hiếm để gây bão giá như trước nữa.
Theo nguồn : baomoi.com