Mụn trứng cá, thường được hiểu là mụn trứng cá thông thường (acne vulgaris), là bệnh da liễu được đặc trưng bởi tình trạng viêm khu trú vùng nang lông – tuyến bã.

Mụn trứng cá thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tuy nhiên, bệnh có xu hướng tồn tại dai dẳng, hay tái phát, với biến chứng thường gặp là sẹo lõm, hoặc sẹo lồi, gây mất thẩm mỹ, làm suy giảm đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh

Mụn trứng cá rất phổ biến, hầu như ai cũng từng mắc bệnh này.

Bệnh có 3 dạng:

  • Trứng cá nhẹ
  • Trứng cá vừa
  •  Trứng cá nặng

Trứng cá thể thông thường

Là hình thái thường gặp nhất. Tổn thương rất đa dạng:

  • Bắt đầu từ tuổi dậy thì, người bệnh có hiện tượng tăng tiết bã nhờn như da mỡ, nhờn, trơn bóng, tóc nhờn, lỗ chân lông giãn rộng
  • Trên nền da nhờn xuất hiện các tổn thương nhân trứng cá (comedon) hay mụn đầu đen (point noir) do chất bã bài tiết và tế bào biểu mô cô đặc lại mà thành

Các thể lâm sàng trứng cá nặng

  • Trứng cá dạng cục, dạng kén
  • Trứng cá bọc
  • Trứng cá tối cấp

Nguyên nhân

Tăng tiết chất bã

Bình thường chất bã được nang lông tuyến bã tiết ra làm da, lông, tóc ẩm, mềm mại, mượt mà. Trong trứng cá, do nội tiết tố androgen của cơ thể, đặc biệt là testosteron tiết ra nhiều sẽ gắn vào các thụ thể đặc hiệu có trên bề mặt các tế bào tuyến bã, kích thích tuyến bã phát triển, giãn rộng làm tăng bài tiết chất bã.

Sừng hóa cổ nang lông

Bình thường các tế bào của tuyến bã và cổ nang lông khi chết sẽ được đào thải ra ngoài qua cổ nang lông. Trong trứng cá, các tế bào này không được đào thải sẽ gây bít tắc cổ nang lông làm chất nhờn tích tụ lại và làm phình tuyến bã.

Sự gia tăng hoạt động của Vi khuẩn Propionibacterium anes (P.aces)

P.acnes hiện diện rất nhiều trên da của bệnh nhân trứng cá. Các vi khuẩn này sẽ chuyển hóa các acid béo tự do có trong tế bào và chất nhờn bị tích tụ làm viêm tấy nang lông và cổ nang lông tạo nên mụn trứng cá dạng sẩn, mụn mủ, cục và nang.

Triệu chứng

  • Trứng cá nhẹ: có đầu đen (đầu trứng cá hở, nhân tiếp xúc với không khí và bị chuyển màu thành đen) và đầu trắng (đầu trứng cá có màng bao bọc, không tiếp xúc với môi trường ngoài), kèm một số nốt sần và nốt có mủ. Trứng cá nhẹ thường tự hết trong vòng 1-2 tuần, không để lại sẹo mà cũng không cần phải dùng thuốc.

  • Trứng cá vừa: nốt sần màu đỏ, hơi đau, nốt có mủ nhiều hơn, và có tạo sẹo nhỏ, diễn tiến dai dẳng, có những đợt thoái lui. Dễ tái phát khi sử dụng các chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá, cafein… hoặc phát triển và thoái triển theo chu kỳ kinh nguyệt (ở nữ giới)
  • Trứng cá nặng: có các cục nhỏ có viêm, đau nhiều, có phù nề, và nốt sần, nốt có mủ rất nhiều, có thể gây sẹo lớn

Điều trị

Việc điều trị nhằm giảm quần thể vi khuẩn trong nang lông, giảm sinh bã nhờn, giảm viêm, loại bỏ lớp keratin che lấp nang. Các thuốc dùng gồm có các chất ly giải keratin và chất kháng khuẩn. Khi thuốc bôi ngoài không có tác dụng, cần dùng thuốc uống, đáp ứng với thuốc thường chậm và phải điều trị lâu dài. Kinh nghiệm điều trị: Trong thời gian điều trị bệnh, bệnh nhân tuyệt đối không được sờ hay nặn mụn gây viêm nhiễm lan rộng (bội nhiễm) gây ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

  • Trứng cá nhẹ: Dùng thuốc bôi ngoài, đặc biệt là benzoyl peroxid, chất kháng khuẩn và retinoid. Acid azelaic có thể dùng thay thế benzoyl peroxid. Khi phối hợp retinoid với kháng sinh erythromycin sẽ hiệp đồng tác dụng, nhanh chóng cho hiệu quả điều trị

Các thuốc kháng khuẩn bôi ngoài cũng là thuốc đầu tiên dùng đến sau khi liệu pháp benzoyl peroxid không hiệu quả, dùng các dung dịch tetracylin, clindamycin, erthromycin để bôi ngoài, và các chất này có tác dụng tương đương nhau. Dùng thuốc kháng khuẩn bôi ngoài chỉ nên kéo dài 10 đến 12 tuần, không dùng đồng thời thuốc bôi ngoài với thuốc uống hay loại nọ kế tiếp loại kia

  • Trứng cá vừa: Dùng thuốc kháng khuẩn đường uống là tốt nhất, kết hợp với thuốc bôi ngoài. Tất cả các thuốc kháng khuẩn được dùng ít nhất trong 3 tháng, có những trường hợp phải điều trị tới 2 năm hay lâu hơn nữa. Đối với các bệnh nhân nữ có trứng cá vừa nhưng phải dùng thuốc tránh thai, thì nên dùng thuốc tránh thai chứa một progrestogenkhông androgen nhưng cần hết sức lưu ý tác dụng phụ khi dùng đường uống kéo dài.
  • Trứng cá nặng: Thường dùng isotretionin theo đường uống, nếu những bệnh nhân không dùng được loại thuốc này có thể dùng thuốc kháng khuẩn với liều cao. Đối với những bệnh nhân nữ chống chỉ định dùng estrogen có thể dùng spironolacton, dựa vào tính kháng androgen của nó, kết hợp dùng thuốc bôi ngoài trứng cá nhẹ.