Khi bạn bất ngờ biết mình mang thai, chắc chắn bạn không muốn bỏ giọt máu của mình đi, vì thế bạn đừng lo. Dưới đây là cách bạn có thể làm

 Hãy mạnh dạn chia sẻ những khó khăn khi mang thai với bác sĩ.

Mang thai 3 tháng đầu bạn làm gì?

1. Ở tháng thứ 1

Ngay lúc này đây bạn và chồng cần ngồi xuống cùng nhau, không nên đổ lỗi cho nhau kiểu sao anh/em không cẩn thận vì điều đó chỉ làm không khí căng thẳng hơn chứ không giải quyết được gì.

Bạn cần bàn bạc nghiêm túc với người bạn đời của mình biện pháp xử trí: Bạn muốn bỏ thai? Bạn muốn sinh rồi cho một gia đình tốt bụng, hiếm muộn làm con nuôi? Hay bạn muốn đích thân mình sẽ sinh ra con, nuôi con khôn lớn?

Dù thế nào chăng nữa, lời khuyên dành cho bạn là hãy chọn cách thứ 3. Sẽ không bao giờ bạn day dứt về nỗi đau phải bỏ con dù là một bào thai hay một đứa trẻ đã nên hình. Điều bạn phải đối mặt lúc này là những vất vả, mệt mỏi. Nhưng bù lại, bạn sẽ thanh thản trong lòng, bạn chính là người đã trao sự sống cho đứa con yêu dấu mà mình đang ôm ấp.

Nhìn rõ vào thực tế, phân tích điều mình sẽ phải đối diện và những điều mình có được khi có con sẽ giúp bạn cảm thấy việc bạn đang làm là xứng đáng và thoải mái chấp nhận chuyện mình sắp làm mẹ – một cách đột ngột, bất ngờ, không lường trước nhưng đầy thú vị.

2. Ở tháng thứ 2

Dĩ nhiên bạn sẽ đến bác sĩ và hãy nghe lời bổ sung dưỡng chất cần thiết để bé có thể phát triển hoàn thiện như bất kỳ bé yêu nào khác.

Bạn có thể tạo nhật ký, hay blog trên mạng. Hãy thường xuyên viết và chia sẻ những hình ảnh về chính bạn, về những vật dụng mà bạn chuẩn bị cho bé yêu. Có thể viết cả những dòng cảm xúc thật lòng như cảm giác hoang mang, sự lo lắng… Trải nỗi lo âu ra giấy hoặc blog bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Hãy để bạn đời, người thân, những người bạn tin cậy xem được những dòng viết này. Bạn nhận lại được gì? Chắc chắn đó sẽ là sự an ủi, động viên, sẽ là những câu chuyện mang tính rất tích cực, lạc quan mà mọi người kể cho bạn nghe. Thậm chí, bạn còn được tặng một số món quà, quần áo cũ hoặc đồ chơi, nôi… từ những bà mẹ khác nữa đấy.

Tình yêu thương và sự động viên của mọi người cũng khiến bạn thấy việc mình mang thai trở nên thật tuyệt vời, chứ không hề đáng sợ.

3. Ở tháng thứ 3

Bạn đang quen dần với những thay đổi của cơ thể và bắt đầu cảm nhận rõ hơn về vai trò làm mẹ của mình. Không cần dùng nhiều thời gian vào việc trấn an mình nữa, hãy dùng vào việc chia sẻ những thắc mắc quan tâm quanh việc mang thai để mọi người chia sẻ kinh nghiệm cho bạn.

Hãy ghi chép lại tất cả những điều mà bạn nghĩ là sẽ hữu ích cho chính mình trong quá trình sinh nở, nuôi con. Tất cả những việc bạn đang làm này có tác động tích cực khiến càng lúc bạn càng háo hức với vai trò làm mẹ của mình hơn.

Nếu gặp bất cứ khó khăn nào trong quá trình mang thai, hãy mạnh dạn chia sẻ điều đó với bác sĩ, người thân, đặc biệt là những người bạn đang làm mẹ. Dần dần bạn sẽ thấy mình như trở thành “Google” về chuyện mang thai, sinh nở, nuôi con.

Và đến đây thì bạn đã bắt đầu nhận thấy món quà của tạo hóa từ sự “vỡ” kế hoạch này tuyệt đấy chứ?