Tình trạng ngộ độc do uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng thường có xu hướng gia tăng vào các dịp lễ, Tết. Các hình thức rối loạn tinh thần do uống phải rượu giả đã thực sự vượt khỏi ngưỡng tưởng tượng của các nhà chuyên môn… Vậy làm thế nào để hạn chế được nguy cơ rủi ro này đối với chính bản thân và cả gia đình? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

Độc hại không tưởng

Ngộ độc rượu giả sẽ dẫn đến các bệnh về tim mạch, ung thư, mất trí nhớ và cả dị tật thai nhi.

Các bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu giả thường có dấu hiệu bị kích thích, vật vã, lúc chuyển đến viện huyết áp tụt xuống, có khi đến mức không thể đo được, hôn mê sâu, rối loạn điện giải, rối loạn tuần hoàn, đồng tử giãn tối đa đến mức không còn phản ứng đối với ánh sáng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, các bệnh nhân dương tính với metanol – một loại cồn công nghiệp dùng làm dung môi trong quá trình pha chế rượu giả, cao gấp cả trăm lần mức cho phép.

Các kết quả kiểm hoá thực phẩm mẫu rượu giả nhập khẩu cho thấy, mặc dù rượu có mùi đặc trưng, trạng thái rượu không khác mẫu rượu thật nhưng khi phân tích và so sánh các thành phần nguy hại trong rượu như: chì (Pb), acid xitric thì thấy hầu hết đều vượt gấp hàng chục lần so với tiêu chuẩn Việt Nam, thậm chí còn có cả chất furfurol.

Theo khuyến cáo từ Phân viện Sinh học Nhiệt đới, furfurol là một hóa chất rất độc hại cho bộ máy tuần hoàn, hô hấp, thần kinh. Đó là nguyên nhân của nhiều bệnh như: tim mạch, ung thư, mất trí nhớ và cả dị tật thai nhi. Chính vì vậy, bất kể là tiêu chuẩn Việt Nam hay tiêu chuẩn Châu Âu, rượu đều phải âm tính với furfurol.

Kinh nghiệm chọn rượu

Chọn chuẩn rượu thật và có chất lượng sẽ giúp bạn tránh khỏi rủi ro ngộ độc cũng như mang tiếng xấu khi biếu tặng.

Việc cân nhắc lựa chọn sản phẩm trước khi mua hoặc kiểm tra sản phẩm được biếu tặng trước khi sử dụng là những việc cần thiết để người tiêu dùng loại trừ nguy cơ sử dụng phải rượu giả, hàng kém chất lượng. Dưới đây là một số kinh nghiệm lựa chọn rượu được các chuyên gia trong ngành đúc kết.

–  Kiểm tra tem, nhãn và nắp chai. Nếu là chai “xịn” quay vòng thì sẽ không tránh khỏi những trầy xước trong quá trình xúc rửa chai nhưng hãy cảnh giác với lời giải thích “hàng bị xước xát trong quá trình vận chuyển”. Còn với nhãn mác giả thì sẽ không có độ sắc nét và không có ánh kim như nhãn mác chính hãng.

–  Các thông tin, con số trên nhãn mác, bao bì sản phẩm cùng tem chống giả cũng là những yếu tố đặc biệt quan trọng để người tiêu dùng loại trừ nguy cơ sử dụng phải rượu giả, không rõ nguồn gốc. Các thương hiệu uy tín thường công bố độ tuổi của rượu bằng các con số in lớn như 12, 18, 25… trên nhãn mác để khẳng định giá trị sản phẩm, giúp người tiêu dùng tránh mua phải hàng chất lượng không cao mà lại có giá “ trên trời”.

Một số thương hiệu như Chivas Regal, Royal Salute, Martell… có sử dụng tem chống giả công nghệ cao in laser, được thể hiện dưới dạng tem vỡ, không thể bóc tách và rất dễ nhận biết: thấm nước lên tem hoặc dùng bút dạ, ánh đèn huỳnh quang chiếu vào tem trên cổ chai, nếu thấy nổi lên thương hiệu in chìm thì đó là rượu thật và người tiêu dùng có thể yên tâm khi sử dụng.

–  Tất nhiên, có nhiều trường hợp “tinh vi” hơn khi nhãn mác, chai, nắp, tem chống giả đều 100%  “xịn” nhưng bên trong vẫn là rượu giả bởi gian thương rút lõi qua lỗ khoan nhỏ ở đáy chai (thường ở vòng tròn của chữ A, O , B… con số hoặc các tì vết có sẵn trên chai khi sản xuất) rồi tiêm rượu giả vào và hàn lại bằng một loại keo trong rất khó phát hiện.

–  Kiểm tra tem, nhãn mác và nắp chai xem có dấu vết khác lạ nào chứng tỏ vỏ chai bị sử dụng lại hay không.

Kinh nghiệm trước khi uống rượu

Nếu được biếu tặng rượu, bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng trước khi sử dụng.

Bên cạnh những kinh nghiệm chọn rượu kể trên, các chuyên gia trong ngành cũng đưa ra một số lời khuyên đối với người tiêu dùng khi nhận các sản phẩm được biếu tặng. Theo đó, trước khi sử dụng cũng nên thử bằng một trong các cách dưới đây để tránh tác hại khi uống nhầm rượu giả.

–  Kiểm tra tem, nhãn mác và nắp chai xem có dấu vết khác lạ nào chứng tỏ vỏ chai bị sử dụng lại hay không.

–  Kiểm tra nút bi tại cổ chai – đây đang được coi là giải pháp chống hàng giả dễ nhận biết nhất bởi đây là loại chai chỉ có thể rót ra mà không thể đổ vào từ bên ngoài.

–  Khi dùng, ngoài việc ngửi hương rượu để nếu thấy có mùi xốc của cồn tức là rượu đó có hàm lượng cồn cao cần cảnh giác thì người tiêu dùng có thể lắc nhẹ ly và kiểm tra độ bám của rượu ở thành ly. Rượu thật được chưng cất từ nho, mật ong… và được ủ trong thùng gỗ sồi nên tỏa ra mùi vị rất đặc trưng và có độ sánh, khi lắc rượu sẽ còn bám nhẹ trên thành ly.

Sơ cứu và cấp cứu khi ngộ độc rượu

Một cốc trà đặc hoặc sữa nóng sẽ phần nào giúp giải độc cho nạn nhân.

Khi ngộ độc rượu, cần tìm cách gây nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má rồi cho nạn nhân uống một cốc sữa nóng hoặc trà đặc. Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng mát (tránh gió lùa) với tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái. Nếu có biểu hiện co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai, mắt hay loạn nhịp tim thì phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Các bác sỹ khuyến cáo, để phòng ngộ độc rượu khi uống, nên chọn loại rượu có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm và chỉ uống ít (khoảng 30ml). Ngoài ra, cũng cần lưu ý trong khi uống rượu vẫn phải ăn cơm và thức ăn khác nhằm tránh tình trạng cảm lạnh do đói, rét.

Quan niệm uống rượu cho ấm người chỉ đúng khi người uống uống một lượng rượu vừa đủ với nhu cầu và đang ở nơi ấm, kín gió cũng như mặc đủ ấm vì thân nhiệt tăng do uống rượu sẽ nhanh nhưng cũng rất chóng tàn. Do vậy, nếu không ăn uống đầy đủ, người uống rượu sẽ cạn năng lượng, bị đói rét, dễ cảm lạnh và nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Benh.vn