Không chỉ tập trung vào lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị cần tập trung chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân trong dịp Tết. Theo đó, mọi vấn đề từ khám chữa bệnh, cung ứng thuốc, chống dịch… và đảm bảo an ninh bệnh viện.

Bộ Y tế yêu cầu phải tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe 
Bộ Y tế yêu cầu phải tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe người dân trong dịp Tết. Ảnh: H.Hải

Thực hiện Chỉ thị số 36/CT – TTg ngày 22/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc cường công tác tăng cường quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo an toàn trật xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Chỉ thị số02/CT – BYT​ yêu cầu các đơn vị tập trung chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Đảm bảo an toàn thực phẩm

Với lượng thực phẩm tiêu thụ khổng lồ trong dịp Tết, để đảm bảo an toàn cho người dân, Bộ Y tế yêu cầu Cục An toàn thực phẩm hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra công tác đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp tết Ât Mùi và màu Lễ hội Xuân 2015…Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp chặt chẽ công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát đảm bảo an toàn cho người dân.

Trực 24/24h cấp cứu bệnh nhân

Trong dịp nghỉ lễ Tết kéo dài 9 ngày nhưng công tác khám chữa bệnh của người dân vẫn phải được đảm bảo. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý Khám, chữa bệnh xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch, thành lập các đoàn kiểm tra các bệnh viện trong dịp tết; Các bệnh viện Trung ương, bệnh viện được phân công chỉ đạo tuyến đảm bảo trực 24/24 giờ sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Phân công trực 24/24h đảm bảo công tác khám cấp cứu cho người bệnh.

Bảo đảm thuốc chữa bệnh phục vụ nhân dân

Cục quản lý Dược; Sở Y tế các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn dược và các quy định về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng công tác cung ứng thuốc 24/24 phục vụ nhân dân.

Cục Quản lý Dược cũng đã lập kế hoạch về cung ứng thuốc cho người dân, đảm bảo cung ứng đủ thuốc theo yêu cầu điều trị, không để tình trạng tăng giá thuốc, thiếu thuốc điều trị trong dịp Tết.

Đảm bảo an ninh trật tự tại BV

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự, Công an địa phương rà soát, bổ sung kế hoạch bảo vệ cơ quan, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đơn vị trong các ngày nghỉ Tết. Kiểm tra kĩ hệ thống phòng chống cháy nổ, hệ thống điện; tiến hành niêm phong, cắt cầu dao điện kho hàng và phòng làm việc trước khi về nghỉ Tết. Các đơn vị tổ chức trực đơn vị theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hậu cần và trực bảo vệ- tự vệ. Niêm yết danh sách cán bộ trực công khai hàng ngày để lãnh đạo đơn vị đi kiểm tra, đôn đốc khi cần thiết. Các đơn vị phải nhanh chóng đi vào hoạt động bình thường ngay sau Tết.

Tăng cường công tác phòng chống dịch

Trong dịp Tết, việc chống dịch vẫn phải đảm bảo. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác phòng chống các dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh cúm A(H7N9), (H5N1),Ebola, chân tay miệng, sốt xuất huyết, sởi, rubella, tiêu chảy do vi rút Rota, các bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông – Xuân nhất là dịp Tết Nguyên đán…

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cán bộ y tế không được lợi dụng dịp Tết để tổ chức liên hoan, ăn uống lãng phí; nghiêm cấm sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước để thưởng, biếu, cho các tổ chức, cá nhân không đúng với quy định của Nhà nước. Không được sử dụng xe ô tô công phục vụ việc riêng trong dịp Tết.

Theo Dân trí