Cây Ngò Gai

Công dụng chữa bệnh của rau mùi tàu
Miêu tả: Ngò gai là một trong những loại rau gia vị quen thuộc và cũng là một cây thuốc gia đình thường được dùng để ăn sống, hoặc chế biến với những loại thực phẩm khác để kích thích ăn ngon miệng, vì mùi thơm nhẹ nhàng của chúng. Ngoài ra trong nồi canh chua nấu cá, có lá ngò gai sẽ làm mất mùi tanh, giúp món ăn có hương vị hấp dẫn hơn. Không chỉ là rau gia vị, toàn cây ngò gai còn có công dụng làm thuốc, bằng cách dùng tươi hoặc phơi khô. Ngò gai còn gọi là mùi tàu hoặc ngò tây, thuộc họ Hoa tán, có nguồn gốc từ châu Mỹ. Ngò gai thu hái được quanh năm. Không chỉ là rau gia vị, toàn cây ngò gai còn có công dụng làm thuốc, bằng cách dùng tươi hoặc phơi khô.

Công dụng: Theo y học cổ truyền, ngò gai có vị the, tính ấm, mùi thơm hắc, có tác dụng thông khí, khử thấp nhiệt, thanh độc, kích thích tiêu hóa, kiệm tỳ.

Thành phần hóa học: Cây chứa 0,02 – 0,04% tinh dầu bay hơi, rễ chứa saponin…

Bài thuốc:

– Trị hôi miệng:
Lấy 1 nắm rau ngò gai, rửa sạch, sắc đặc, cho thêm vài hạt muối, khuấy tan, dùng để ngậm và súc miệng nhiều lần trong ngày. Sau khoảng 5-6 ngày, miệng sẽ bớt mùi hôi.

– Trị đầy hơi, ăn không tiêu: Dùng 50g lá ngò gai, rửa sạch, thái dài khoảng 3-4cm. Gừng tươi: 10g đập dập. Tất cả sắc với 400ml nước, còn 200ml, chia làm 2 lần uống trong ngày, mỗi lần dùng cách nhau 3 tiếng.

– Trị cảm cúm: Dùng 40g mùi tàu. Gừng tươi: 10g. Ngải cứu và cúc tần: mỗi thứ 20g. Tất cả thái nhỏ, riêng gừng đập dập, sắc với 400ml nước còn 150ml thì đổ ra, uống nóng, mỗi ngày 2 lần. Sau khi uống, nằm trong chăn ấm để cho ra mồ hôi, rồi lau khô người sẽ thấy dễ chịu hơn.

– Trị cảm mạo: Ngò gai phơi khô: 10g. Cam thảo đất: 6g. Sắc với 300ml nước; đun sôi trong khoảng 15 phút, chia làm 3 lần uống trong ngày.

– Trị đau bụng, tiêu chảy: Lấy 20g lá ngò gai. Củ sả, lá tía tô, gừng sống mỗi thứ 12g, sắc với nước, uống trong ngày.