Cách dạy con nghe lời giúp bé từ bỏ ngay tính chống đối, bướng bỉnh và không chịu nghe lời người lớn. Mời bạn cùng tham khảo ngay cách nuôi dạy trẻ khoa học thông qua bài viết sau nhé!

1. Tại sao trẻ em bướng bỉnh và không nghe lời?

Khi các bé là trẻ sơ sinh, bố mẹ luôn phải ở bên con và chăm sóc. Bố mẹ làm mọi cách để con luôn cười, khi con khóc bố mẹ vội vàng đến bên con và dỗ dành. Bố mẹ đáp ứng gần như tất cả mọi nhu cầu của con, từ việc ăn uống, ngủ nghỉ cho đến vui chơi. Tất nhiên, đó là điều cần thiết phải thực hiện.

Khi trẻ lớn lên, nhận thức bắt đầu phát triển, trẻ nhận thấy rằng tất cả mọi người đều xoay quanh trẻ như thể trẻ là trung tâm của cả gia đình. Và rồi, trẻ cứ làm theo những gì mình muốn, đó là một quy luật mang tính tự nhiên, không có gì là bất thường cả.

Nhưng rồi, khi trẻ lên 2-3 tuổi, cha mẹ và những người xung quanh không còn 100% theo ý của trẻ nữa, thay vào đó, họ mong muốn trẻ phải nghe theo lời của họ, tuân theo các quy tắc và chuẩn mực đã đề ra.

Dĩ nhiên, nhận thức và kinh nghiệm xã hội của bé vẫn còn rất non nớt, trẻ chưa quen với điều đó và chưa hiểu tại sao người lớn lại làm thế với mình. Chính vì thế, trẻ tỏ ra cáu kỉnh, không chịu nghe lớn, giận dữ, bướng bỉnh, nhõng nhẽo và “ăn vạ”.

Đây không chỉ là một thách thức trong sự phát triển nhân cách trẻ em mà còn là thách thức đối với các bậc phụ huynh. Nếu giáo dục đúng cách, trẻ sẽ dần biết nghe lời, học hỏi tốt hơn, trưởng thành và hoàn thiện nhân cách tốt đẹp.

cach-day-con-nghe-loi-le-phep-bo-me-nao-cung-nen-biet
Cách dạy con nghe lời, lễ phép bố mẹ nào cũng nên biết

Còn riêng đối với những bé trai, để trị tật ương bướng và quá nghịch ngợm của bé, các mẹ có thể tham khảo thêm bài viết cách dạy con trai bướng bỉnh.

2. Cách dạy con nghe lời

Kiên nhẫn lắng nghe và đừng tranh luận

Những lúc trẻ bướng bỉnh, cứng đầu, không chịu nghe lời thì bố mẹ không nên vội vàng cáu giận hoặc ngay lập tức tranh luận, đánh mắng con bởi như vậy chỉ khiến tình hình tệ thêm mà thôi.

Khi ấy bí quyết dạy con nghe lời tốt nhất là bố mẹ hãy lắng nghe và nói chuyện nhẹ nhàng với con. Trong quá trình nói chuyện, hãy cố gắng quan sát và tìm ra nguyên nhân nào khiến trẻ hành động như vậy.

Nên nhớ, kiên nhẫn là chìa khóa để kiểm soát tình hình.

Giúp con hoàn thành công việc dang dở

Bạn có cảm thấy ngại phải ra dỗ con trong khi đang cực kỳ tập trung giải quyết một công việc nào đó hay không? Đối với bé thì việc bị bố mẹ liên tục nhắc nhở bé thực hiện điều gì đó cũng phiền giống như việc bạn phải gián đoạn công việc để đứng dậy dỗ bé vậy đó. Thế nên đừng vội cáu gắt và mắng con nhé, hãy cứ từ từ bình tĩnh giúp con thực hiện việc bạn yêu cầu.

Trước tiên hãy cho con một khoảng thời gian nhất định, ví dụ sau 5 phút con phải đi tắm chẳng hạn. Nếu sau 5 phút bạn vẫn chưa thấy bé có dấu hiệu thực hiện yêu cầu mình đưa ra, hãy nhắc nhở bé một cách khéo léo: “Đoàn tàu con xây đẹp quá, nhưng hình như con quên mất thỏa thuận của mẹ con mình rồi, qua năm phút rồi đó con yêu, đến giờ tắm rồi”.

Tiếp theo, hãy tạo ra chiếc cầu nối giữa công việc bé đang làm và điều bạn muốn con thực hiện: “Con nghĩ sao nếu thử cho chiếc ô tô này chạy từ đây ra nhà tắm nhỉ, cái này nhé, nào con điều khiển nó đi nào.”
Kết nối trước khi đưa yêu cầu

Trước khi bạn đưa ra những hướng dẫn hay những yêu cầu đối với con, hãy cho trẻ thời gian để làm quen với bạn, đánh thức ham muốn học hỏi từ trẻ. Hãy nhớ rằng trẻ sẽ cư xử sai khi chúng cảm thấy tiêu cực về bản thân và không có sự kết nối với người xung quanh.

Ví dụ:

– Cúi xuống và nhìn ngang tầm mắt con: “Con đang cư xử không tốt đâu… Hãy nói cho mẹ điều con muốn…. và không được cắn”

– Ôm con: “Con ước rằng mình có thể chơi lâu hơn…nhưng đến giờ đi ngủ rồi”

– Ánh mắt âu yếm: “Trông con có vẻ đang rất buồn”

Động viên và khen ngợi con khi cần thiết

Thái độ, cách đối xử của người lớn với con cũng là nguyên nhân hình thành nên sự bướng bỉnh, khó bảo ở trẻ. Chính bởi vậy, muốn thay đổi một đứa trẻ cứng đầu, bố mẹ cần cố gắng động viên và khen ngợi con khi chúng cố gắng thực hiện những việc tốt, cho dù đó là việc nhỏ nhặt. Đừng gay gắt khi con làm sai điều gì đó mà hãy từ từ phân tích cho con hiểu.

Khuyến khích các hành vi tích cực sẽ làm cho các bé hiểu rằng đó là cách tốt để có được sự chú ý hoặc lời khen ngợi từ người khác. Bố mẹ cũng có thể tặng cho các con phần thưởng nhỏ để bé thêm hào hứng hơn.

Hướng dẫn nhưng không áp đặt

Đối với trẻ nhỏ, ngôn ngữ của người lớn đôi khi là quá nhiều và phức tạp. Bố mẹ cần giải thích cho bé bằng những cách đơn giản, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Không nên có thái độ gắt gỏng, bực tức khi con chưa hiểu yêu cầu của cha mẹ, mà nên gợi ý và lặp lại để bé có thể ghi nhớ và tự thực hiện.

Dạy con biết tự lập từ nhỏ cũng là một phương pháp dạy con biết nghe lời, ngăn chặn trẻ ngang bướng. Ví dụ như mẹ dạy bé cách đánh răng, ban đầu bé có thể vụng về, chưa đúng cách, hoặc bị đau. Mẹ có thể hướng dẫn và cùng thực hành với bé, nhớ thường xuyên lặp lại để tạo thói quen hàng ngày, tránh cho trẻ lười hoặc sợ việc đánh răng.

Ngoài ra, bạn có thể học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con cái, kiến thức làm cha mẹ hữu ích khác được chia sẻ tại trang web mẹ yêu bé.