Bà bầu ăn trứng ngỗng được không là thắc mắc của rất nhiều người. Theo quan niệm dân gian, ăn 9 quả trứng ngỗng sẽ sinh con gái, 7 quả sẽ sinh con trai.

ba bau co nen an trung ngong

 

Bà bầu ăn trứng ngỗng theo quan niệm dân gian

Bà bầu ăn trứng ngỗng được không là thắc mắc của rất nhiều người. Bởi theo quan niệm dân gian, có rất nhiều ý kiến trái chiều về trứng ngỗng.

Chị Mai Anh (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ từ ngày mới biết tin có tí cấn thai, mẹ chồng đã chạy vạy đủ nơi để tìm mua trứng ngỗng cho chị. Theo bà thì trứng ngỗng rất tốt cho sức khỏe thai phụ và thai nhi. Từ ngày xưa, các cụ đã dạy khi mang bầu là phải ăn trứng ngỗng, ngày xưa khó khăn có được quả trứng ngỗng quý lắm. Bà không mua trứng ngỗng ngoài chợ vì sợ không đảm bảo chất lượng, mà tìm tận nơi nhà nào trong xóm nuôi ngỗng để mua cho con dâu. Chị Anh kể: “Em mới mang bầu 3 tháng mà mẹ chồng đã bắt ăn đến 10 quả trứng ngỗng. Mỗi quả trứng to đến hàng 2-3 lạng khiến em ngán vô cùng nhưng không ăn thì sợ làm phật ý mẹ chồng vì bà đã cất công đi mua cho mình, mà ăn vào thì bụng em ấm ức, khó tiêu lắm. Em cũng nghe nhiều người nói bầu bí ăn trứng ngỗng giúp thai nhi thông minh. Vì vậy dù có khó ăn em vẫn cố.”

Một quả trứng ngỗng nặng từ 2 – 3 lạng, gấp 8 – 10 lần quả trứng gà. Trứng ngỗng cũng không phổ biến như trứng gà hay trứng vịt và khó tìm mua. Vì vậy, theo quan niệm dân gian, trứng ngỗng vừa quý lại bổ dưỡng. Có ý kiến còn cho rằng, phụ nữ mang thai ăn 7 quả trứng ngỗng thì sinh con trai, 9 quả thì sinh con gái.

Lý giải của chuyên gia

Nói về tác dụng của trứng ngỗng đối với bà bầu, các chuyên gia khẳng định, hiện nay chưa có một công trình nghiên cứu nào khẳng định con sinh ra thông minh, nhanh nhẹn hơn lứa tuổi. Việc ăn 7 quả trứng ngỗng sinh con trai, 9 quả trứng ngỗng sinh con gái lại càng không có cơ sở.

Tuy nhiên, xết về dinh dưỡng, trứng ngỗng cũng có những chất thiết yếu tốt cho bà bầu. Theo ý kiến của PGS.TS Bùi Hữu Đoàn, Phó trưởng khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội:“Trứng ngỗng, cũng như trứng thủy cầm khác như vịt, ngan… thường có nồng độ chất dinh dưỡng cao hơn trứng gà. Vì phôi trứng thủy cầm phải phát triển trong môi trường lạnh (bên bờ đầm, ao hồ) nên cần nhiều năng lượng và dinh dưỡng hơn.Tuy nhiên, sự chênh lệch về chất dinh dưỡng đó không ảnh hưởng đáng kể đến sức khoẻ người sử dụng, bà mẹ cũng như bào thai khi họ ăn trứng”.

ba bau co nen an trung ngong

Trứng ngỗng có 13,5% chất protein, 13,2% lipid, 0,33mg% vitamin A, 0,10mg% vitamin B1, 0,30mg% vitamin B2, 0,1mg% vitamin PP… So với trứng gà, trứng ngỗng có tỷ lệ protein thấp hơn (tỷ lệ protein trong trứng gà toàn phần là 14,8%) nhưng lại có lượng lipid cao hơn (tỷ lệ lipid trong trứng gà là 11,6%).

 

Tuy nhiên, hàm lượng các vitamin trong trứng ngỗng cũng thua trứng gà, đặc biệt là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai. Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà (0,33mg% so với 0,70mg% trong trứng gà). Mặt khác, trứng ngỗng có nhiều cholesterol và giàu lipid là những chất không có lợi cho sức khoẻ phụ nữ có thai. Chị em có thể bị béo phì và mắc chứng cholesterol máu cao nếu lạm dụng những thực phẩm giàu lipid và cholesterol như trứng ngỗng.

Vì vậy, theo các nhà khoa học, sự nhanh nhẹn, lanh lợi của một đứa trẻ tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, như là gene di truyền (trẻ cùng cha mẹ nhưng vẫn có bộ gene di truyền khác nhau), cấu trúc não, bản tính, môi trường sống, sự giáo dục và học hỏi…

Muốn con thông minh,  bà bầu cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng khác nhau trong từng giai đoạn của thai kì.