Trong chuỗi các hoạt động Tháng 3 chủ đề “Thanh niên và đồng bào dân tộc với biển đảo quê hương”, sáng ngày 24/3, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc Thái (Sơn La) đã tái hiện lễ “Xên lẩu nó”.

Bacsi365 chia sẻ, tháng 3 hoa ban bung nở, măng đắng mọc, tiết trời ấm áp, bà con bản mường tạm gác lại công việc đồng áng, đắm mình trong trời xuân tổ chức lễ hội “Xên lẩu nó”, nhằm để cảm tạ tổ tiên, thần sông, thần núi, thần thổ địa… đã giúp con người sống ở trần gian duy trì cuộc sống, đoàn kết dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đây cũng là dịp các con nuôi ở mường trên, bản dưới về tạ ơn “Ông Một” đã chữa bệnh cứu người, mang lại hạnh phúc cho mọi nhà.

Lễ Xên Lẩu nó kéo dài gần 3 ngày 3 đêm và được tổ chức trong ngôi nhà sàn của ông Một. Từ sáng sớm những người được ông Một chữa khỏi bệnh được coi là con nuôi của ông Một khắp bản trên, mường dưới trên vai mang gùi gạo, con gà …đổ về nhà ông Một để chuẩn bị làm lễ. Mọi người không kể già trẻ, gái trai, chung tay thu dọn nhà cửa, đưa chăn đệm lên cao, cùng nhau dựng cây Xăng bók (giàn hoa).

Cây Xăng bók được dựng trên sàn ngôi nhà, cao gần 3m kết từ các loại cây quen thuộc và gần gũi với đời sống ăn chơi của người dân bản như: Cây mía, cây móc, cây chuối đã trổ buồng…cùng với hoa Ban, hoa Píp. Trên cây còn treo thêm các “ngân nga” tượng trưng như vòng bạc làm từ các lạt tre cuộn tròn móc vào nhau thành dây dài cùng các hộp hình vuông kết từ các loại chỉ màu tượng trưng cho mặt trời. Dưới cây Xăng bók là bình rượu cần, hoa chuối và các đoạn lõi chuối.

Tùy theo người đã từng bị bệnh nặng hay nhẹ, được “mo một” chữa khỏi mà họ lễ vật là lợn hay gà mang đến lễ hội. Ngoài ra còn có khăn piêu, rượu – “lảu”, hương, nến, rau rừng, xôi  tổng hợp – “phắc nửng chụp”, hoa ban – “bók ban”, hoa mạ – “bók mạ”, các cô gái còn dùng hoa ban gài lên tóc, củ gừng – “mắn khá”, đặc biệt không thể thiếu măng rừng – “nó” (măng vầu – “nó pao”, măng sặt – “nó pặt”, măng giềng – “nó khá”) tượng trưng cho sự hồi sinh, mạnh khỏe sau khi được chữa khỏi bệnh.

Những người từng bị bệnh nặng còn đem theo một cây báng để cả ngọn cho vào sọt dựng ở bên cạnh bàn thờ, tượng trưng cho lễ vật là con trâu đen (còn gọi là “co quái xiên”); cây chuối non cả gốc tượng trưng cho trâu trắng (còn gọi là “co quái lón”, những cây này còn gọi là “co quái tao”), trên “co quái tao” treo quả còn tượng trưng cho rồng còn trong truyền thuyết (gọi là “luông còn”)… đến nhà “mo một”. Với người Thái Tây Bắc, rồng là con vật đẹp nhất, là biểu tượng của những gì tốt đẹp nhất, tua còn như tám tia nắng, chín tia mưa, mang theo những hạt giống như lúa, ngô, bông… chờ gieo xuống sinh sôi nảy nở, tốt tươi.

Trong khi phụ nữ trang trí cho cây Xăng bók thì thanh niên trai tráng cùng nhau mổ lợn để chuẩn bị cho lễ “pông phí một” (cúng mời các thần linh). Tin giới trẻ cho biết, sau khi mổ xong, lợn được cắt lấy các phần đầu, đuôi, lòng, tim gan mỗi thứ một ít rồi xếp lại thành hình con lợn để lên mâm cúng. Ngoài ra trên mâm lễ còn bày 3 bát gạo, 4 quả trứng gà, 7 chén rượu, trầu cau…

Sau khi bày xong mâm cúng, Ông Một cầm bao kiếm đặt vào mâm, ngồi xuống lạy 3 lần rồi khấn: “Mời các tạo quan to mường trên xuống. Mời tạo một từ thời cụ, kị. Thầy cúng từ đời ông, đời cha cùng xuống. Ba trăm thầy cúng ca, năm trăm thầy cúng giỏi.Cùng chín trăm thầy mo. Tất cả cùng xuống ăn mừng lẩu nó…
Lễ hội cũng là dịp đồng bào tham gia sáng tạo các hoạt động văn hoá cộng đồng, họ tự nguyện quyên góp các dụng cụ, đạo cụ, lương thực, thực phẩm, công sức để tổ chức lễ hội, nhằm tăng cường đoàn kết, giữa các gia đình, các dòng họ, các bản, các mường. Họ được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nuôi dạy con cái và động viên nhau xây dựng bản mường ngày một ấm no, hạnh phúc hơn.