Bệnh viện Đà Nẵng vừa kịp thời cứu sống hai bệnh nhân vỡ gan và bị đâm thấu ngực bằng phương pháp nút mạch.

Cuu-2-benh-nhan-vo-gan-va-bi-dam-thau-nguc-1

(Doc bao phap luat) – Sáng 4/7, sau nhiều ngày điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân Trần Văn Nam (22 tuổi, sinh viên, trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) và Lê Văn Tuấn (50 tuổi, trú huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã tỉnh táo và có thể nói chuyện được với mọi người.

Trước đó, đêm 29/6, Nam bị tai nạn giao thông và được đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng cứu cấp.

Bệnh nhân nhập viện trong trạng thái tỉnh táo nhưng da và niêm mạc nhợt nhạt, huyết áp tụt, mạch tăng, bụng chướng, đau nhiều ở hạ sườn phải.

Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị đa chấn thương vùng bụng kín, ngực kín, cột sống thắt lưng.

Bệnh nhân được các bác sĩ mổ cấp cứu khâu gan vỡ, nhét gạc cầm máu và dẫn lưu màng phổi.

Tuy nhiên, sau ca mổ, niêm mạc của bệnh nhân vẫn nhợt nhạt, dẫn lưu bụng ra rất nhiều máu đỏ sẫm.

Ngay lập tức, bệnh viện đã tổ chức hội chẩn và cho chụp DSA CiTi mạch máu ổ bụng.

Các bác sĩ phát hiện sự thoát mạch từ động mạch gan phải nên đã dùng phương pháp nút mạch (gắn liền vết nứt của mạch máu) để điều trị cho bệnh nhân.

Còn bệnh nhân Lê Văn Tuấn được chuyển đến bệnh viện vào chiều 21/6 với vết thương thấu ngực do bị dao đâm.

Thăm khám lâm sàng bệnh nhân vào viện trong tình trạng lơ mơ, mạch nhanh nhỏ, khó bắt.

Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, mở màng tim thấy có khoảng 250 ml máu tươi và máu cục gây ép tim, vết thương ngay trên thất phải khoảng 1,5 cm đang phun máu. Ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân ổn định sức khỏe.

Theo bác sĩ Lê Trọng Bình, Trưởng khoa phẫu thuật, gây mê hồi sức (Bệnh viện Đà Nẵng), nút mạch là kỹ thuật y tế cao, mới được triển khai tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Đây cũng là đơn vị duy nhất tại Đà Nẵng thực hiện được kỹ thuật này. Trước đây, những ca bệnh tương tự nếu không điều trị bằng nút mạch đều có nguy cơ tử vong rất cao.

*Tên hai bệnh nhân đã thay đổi.

Nguồn: Sức khỏe/bao phap luat va doi song